Tổn thương mắt bởi kính giãn tròng

by tintuc4

Hiện nay, không chỉ giới diễn viên, ca sĩ, người mẫu mà cả một bộ phận giới trẻ đang chuộng mốt đeo kính giãn tròng để tăng vẻ đẹp cho đôi mắt. Tuy nhiên, đây là một kiểu làm đẹp nguy hiểm, vì nó sẽ gây tổn thương rất lớn cho mắt.

Phải mổ mắt vì đeo kính giãn tròng

Sau khi mổ mắt tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng (TP.HCM), chị N. (30 tuổi, Q.1, TP.HCM, làm người mẫu ảnh cho một tạp chí) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị cứ nghĩ mình đã bị mù vĩnh viễn.

N. kể rằng, trước đây mắt chị tuy không đẹp nhưng là đôi mắt “khỏe”. Năm 2010, khi chị đang có ý định đi “chỉnh sửa” mắt thì được người bạn làm chủ tiệm kính ở đường Điện Biên Phủ, Q.3 tặng một cặp kính giãn tròng. Khi đeo vào, nhờ viền đặc biệt ở vòng ngoài của kính, mắt chị to hẳn ra, tròng mắt màu hạt dẻ trông thật ấm áp và gợi cảm. Vì thế mà những bức ảnh của chị cũng trở nên phong cách và lung linh hơn.

Nhưng sử dụng chưa được 3 tháng, mắt N. đã nhức, ngứa và khô rát. Tuy nhiên, vì cái đẹp, chị cứ “cố đấm ăn xôi” để rồi một ngày, mắt chị đau nhức, mờ, chảy dịch vàng và nhìn vật gì cũng biến dạng, méo mó, khi đó chị mới đến Bệnh viện Mắt Cao Thắng khám. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa kết luận, thị lực N. chỉ còn 5/10. Khi khám đáy mắt, bác sĩ phát hiện thấy hoàng điểm sẫm màu, giảm hay mất ánh sáng trung tâm.

Vùng tổn hại lồi cao bờ phản sáng có khi cả vòng tròng, màu sắc vàng, nhỏ tròn như đầu kim, rải rác ở vùng tổn hại, những chấm này không đúc nhập lại và tồn tại kéo dài nhiều tháng, tiêu rất chậm. Và sau thời gian dài điều trị cho chị nhưng không có dấu hiệu hồi phục, các bác sĩ đã chỉ định mổ. Khi N. khai đã xài kính giãn tròng gần 3 năm thì bác sĩ tá hỏa vì sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân này.

Tổn thương mắt bởi kính giãn tròng

Không đến nỗi phải mổ mắt như N. nhưng Q. (22 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM, nhân viên ngân hàng) cũng vô cùng khổ sở vì đôi mắt bệnh tật sau khi làm đẹp với kính giãn tròng. Q. cao ráo, xinh xắn, chỉ mỗi đôi mắt ti hí. Nghe nói dùng kính giãn tròng mắt sẽ đẹp hơn mà không hề tốn kém (mỗi cặp kính chỉ từ 300.000 – 400.000 đồng), nên Q. mua dùng.

Tuy nhiên đôi mắt to tròn, long lanh, xanh thăm thẳm của Q. chỉ tồn tại được đúng 4 tuần. Mắt Q. bắt đầu ngứa, khô và đau nhức, sưng vù. Khi đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám thì được biết, Q. bị viêm kết mạc do nấm, thị lực giảm. Kể từ đó, Q. phải bổ sung cho bộ sưu tập phụ kiện của mình bằng chiếc kính dày cộm.

Sử dụng kính phải có chỉ định chuyên môn

Theo bác sĩ Trang Thanh Nghiệp, Bệnh viện Mắt TP.HCM, ngày nay, một bộ phận giới trẻ rất mạo hiểm với sức khỏe của mình bằng trào lưu xăm tròng mắt hay đeo kính giãn tròng. Theo bác sĩ Nghiệp, từ góc độ chuyên môn thì một đôi mắt đẹp trước hết phải là một đôi mắt khỏe mạnh. Còn về tình cảm, mắt đẹp chính là đôi mắt có cảm xúc.

Bác sĩ khuyên, khi chúng ta đã sở hữu hai yếu tố trên thì không cần đến các biện pháp làm đẹp nào. Mắt là bộ phận mong manh và nhạy cảm, vì thế, các loại kính thuốc chỉ dành cho những người mắt bệnh. Các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng hay kính tiếp xúc, với những chỉ định chính: điều trị các tật khúc xạ như: cận – viễn – loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK…

Kính giãn tròng là một loại kính áp tròng, do vậy, khi sử dụng, đòi hỏi phải có các chỉ định của chuyên môn. Mục đích thẩm mỹ hay thỏa mãn thú chơi của người sử dụng không được giới y khoa khuyến khích.

Lạm dụng kính được hiểu theo hai nghĩa: không có bệnh mà vẫn dùng để thỏa mãn thú chơi; đeo kính quá lâu so với tuổi thọ của kính hay lười tháo lắp, lười vệ sinh kính. Việc lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt.

Bác sĩ Nghiệp cho biết, giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính tiếp xúc như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng… Đa số nguồn gốc của các kính trên không rõ ràng, không ai dám đảm bảo chất lượng cũng như không ai đền bù cho người dùng nếu có thiệt hại do kính gây ra.

Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến như: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, vi rút hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều; bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật. Như vậy, cái hay, cái đẹp do kính trang trí mang lại thì ít mà tốn kém và nguy hại thì nhiều.

Kính giãn tròng thường được bán tràn lan trên mạng với giá khoảng 300.000 đồng/cặp, giao hàng tận nơi, nên rất thu hút người “chơi”. Chị H., làm việc tại Công ty H.K, Q.Gò Vấp cho biết công ty chị nhập kính giãn tròng từ năm 2010 và phân phối khắp thành phố, có rao hàng trên mạng, một ngày bán ra cả trăm cặp, người mua chủ yếu là giới diễn viên, người mẫu, ca sĩ và học sinh, sinh viên. Có những em chỉ mới học lớp 10 nhưng mua một lần 4 cặp kính với đủ màu mắt để thay đổi theo trang phục.

Bác sĩ Nghiệp cho rằng, mua kính không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ, không có hướng dẫn sử dụng chuyên môn thì rất nguy hiểm cho người sử dụng. Chỉ cần một chút sơ suất và thiếu hiểu biết về kính giãn tròng có thể làm cho người sử dụng trở nên mù lòa vĩnh viễn.

Biên Thảo

Ảnh: Shutterstock

>> Mù mắt vì ký sinh trùng bám vào kính sát tròng khi bơi

>> Thời @, cận thị tăng

>> Thiết bị phòng ngừa cận thị

Từ khoá: người mẫu làm đẹp giới trẻ chuyên môn bệnh viện